Giai đoạn sau năm 1975 Nhạc_vàng

Trong nước

Sau năm 1975, cũng như số phận các loại hình văn hóa khác ở miền Nam, dòng nhạc này bị gán nhãn chính trị là "nhạc phản động" hoặc "đồi trụy", "ru ngủ", không thể hiện được con người xã hội chủ nghĩa lý tưởng như tinh thần cộng đồng, yêu lao động, có chí khí vươn lên, mà lại thể hiện tư tưởng an phận, than thở, thích nhận ân huệ. Kết quả là nhiều tác phẩm trong đó có băng cassette, đĩa nhạc cùng những bài vở ghi chép nhạc vàng bị tiêu hủy. Nhiều nhạc sĩ bỏ ra nước ngoài (nhất là các nhạc sĩ Thiên Chúa giáo), trong khi phần đông nhạc sĩ vô thần hay theo đạo Phật vẫn ở lại và có sáng tác mới. Dù vậy, nhạc vàng vẫn được nhiều người ưa thích cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Có những người trong nước vẫn cố gắng tìm nghe bất chấp hình phạt của luật pháp.[6][7]

Mãi đến khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới thì các loại nhạc vàng mới dần dà được chính quyền xem xét lại và cho phổ biến một cách hạn chế tuỳ theo tác giả và tác phẩm. Năm 1986, lần đầu tiên chính quyền cho ra danh mục 36 tác phẩm âm nhạc của Miền Nam trước kia nay được phép công khai trình diễn. Dù vậy, ca sĩ Thanh Lan cho đến cuối thập niên 1980 vẫn phải lén lút thu thanh, thực hiện từ nửa đêm đến rạng sáng thì nghỉ để tránh bị công an phát giác.[8] Danh sách nhạc sang thập niên 1990 thì bỏ, thay vào đó Bộ Văn hóa đề nghị cổ xúy nhạc xanh, tức nhạc trẻ của thời đại Đổi Mới nhưng không thành công.[9] Số người nghe nhạc vàng ngày càng đông, không chỉ ở phía nam vĩ tuyến 17 và hải ngoại mà cả ở miền Bắc, thậm chí theo chân người Việt đi lao động ở Liên XôĐông Âu vào thập niên 1980. Chính quyền tỏ ra bất lực trước phong trào nhạc vàng sống lại.[10]

Sang đầu thế kỷ 21, những nhà kinh doanh và tổ chức ca nhạc trong nước đã tổ chức nhiều buổi trình diễn nhạc vàng, đưa ca sĩ từ hải ngoại về hát vì dễ kiếm lời. Vào tháng 8 năm 2010 hai ca sĩ mà tên tuổi gắn liền với "nhạc sến", Hương LanTuấn Vũ đã trình diễn những bản nhạc vàng ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong nửa tháng với giá vé tại những chỗ tốt nhất lên đến 1.700.000 đồng Việt Nam mà vé vẫn bán hết. Nhạc vàng từ chỗ bị cấm đoán sau năm 1975 để rồi đến năm 2010 đã trình diễn ở giữa thủ đô Hà Nội.[3]

Hải ngoại

Đối với người Việt hải ngoại thì nhạc vàng là một dòng nhạc chủ đạo trong thị hiếu người nghe nhạc và cùng với tình khúc 1954-1975 trở thành dòng nhạc chủ đạo của tân nhạc hải ngoại, tuy nhiên ranh giới giữa hai dòng nhạc này không còn rõ rệt như thời kỳ trước năm 1975.

Đến đầu thế kỷ 21, nhạc vàng bắt đầu thoái trào ở hải ngoại. Những khán giả gốc Việt thích nghe nhạc vàng đã lớn tuổi và dần qua đời, trong khi lớp trẻ gốc Việt sinh ra ở Âu - Mỹ thì đã chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa, âm nhạc bản xứ nên chỉ thích nghe nhạc Âu - Mỹ, ít quan tâm đến các dòng nhạc tiếng Việt. Vì vậy, thị trường văn nghệ hải ngoại ngày càng thu hẹp, các trung tâm chuyên trình diễn nhạc vàng ở hải ngoại phải thu hẹp dần hoạt động. Từ năm 2007, nhiều nghệ sĩ chuyên hát nhạc vàng ở hải ngoại bắt đầu từ hải ngoại trở về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp.[11]